Hiện nay phần lớn các chương trình đào tạo tiếng Đức ở Việt Nam đều được phân loại và xây dựng dựa theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (Gemeinsame europäische Referenzrahmen für Sprachen – GER). Có 6 trình độ được chia thành 3 cấp độ tương ứng.
A1
Người học có thể hiểu và sử dụng được những mẫu câu đơn giản và thông dụng hàng ngày, phục vụ các nhu cầu giao tiếp thiết yếu nhất. Người học đã có thể xem phim tiếng Đức sub tiếng Việt mà không gặp bất kì trở ngại nào.
A2
Người học có thể hiểu được các tình huống giao tiếp đơn giản hàng ngày có liên quan đến bản thân hoặc người đối diện. Có hể tự giới thiệu thông tin về bản thân, gia đình, công việc, mua bán… bằng các đoạn văn ngắn. Có thể xem phim hoạt hình cho trẻ mẫu giáo được (có lẽ vẫn nên có sub)
B1
Người học có thể hiểu được ý chính của những chủ đề liên quan đến hoàn cảnh giao tiếp quen thuộc hàng ngày. Đồng thời có khả năng diễn đạt một cách đơn giản những quan điểm của mình về những chủ đề trong cuộc sống hàng ngày. Có thể giao tiếp với người bản xứ ở mức độ cơ bản nếu họ nói vừa đủ chậm. Ở trình độ này xem phim vẫn còn nhiều khó khăn.
B2
Người học có thể hiểu được nội dung chính trong các văn bản có nội dung và kiến thức tổng hợp đồng thời có thể diễn đạt các quan điểm của mình một cách cụ thể và chi tiết hơn. Có thể đối thoại thoải mái và trôi chảy, nói chuyện với người bản ngữ. Có thể hiểu được các câu thoại trong phim nếu chỉnh tốc độ còn 0,5 – 0,75
C1
Người học có thể hiểu được nội dung chính của những văn bản dài và khó đồng thời có thể giao tiếp trôi chảy với người bản xứ trong công việc hoặc cuộc sống thường ngày mà gần như không có khó khăn gì trong việc lựa chọn từ ngữ. Có thể xem phim vô tư và thoải mái dù có thể vẫn có những khái niệm chuyên ngành không hiểu được.
C2
Có thể tự tin chém gió mọi chủ đề trên trời dưới biển và hiểu mọi thứ khi nghe hoặc đọc mà không cần toát mồ hôi. Phim gì cũng nghe được, mà đặc biệt là khi nghe hoặc xem hài của người Đức có thể cười theo họ và hiểu lý do tại sao mình cười.