“Chia đuôi tính từ” trong tiếng Đức khá thú vị và cũng là “điểm nhấn” làm nên cái sự “khó chịu vô cùng” của những người mới học tiếng Đức. Vốn dĩ chúng ta đều đã biết tiếng Đức thuộc nhóm ngôn ngữ biến hình, tức là các từ sẽ biến đổi để thể hiện các chức năng ngữ pháp nhất định. Cho nên việc phải “chia đuôi tính từ” không phải là một sự hành hạ vô cớ đối với người học đâu, mà nó có vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải nội dung một cách rõ ràng và chính xác.
Lý do chính khiến tính từ trong tiếng Đức cần phải được chia đuôi là để thể hiện sự hòa hợp với danh từ nó bổ nghĩa dựa trên ba yếu tố sau:
- Giống (Genus): Như các bạn đã biết (và khó chịu đủ lâu rồi), danh từ trong tiếng Đức có 3 giống: đực (maskulin), cái (femini) và trung (neutrum). Dựa vào đuôi tính từ chúng ta sẽ biết được danh từ mà nó đang mô tả thuộc giống nào. Ví dụ:
- der nette Mann (người đàn tử tế – giống đực)
- die böse Frau (người phụ nữ xấu xa – giống cái)
- das brave Kind (đứa trẻ ngoan – giống trung)2
- Số (Numerus): Tính từ cũng cho biết danh từ mà nó bổ nghĩa là số ít (Singular) hay số nhiều (Plural). Ví dụ:
- ein interessantes Buch
- die interessanten Bücher
- Cách (Kasus): Đây là yếu tố khó nuốt nhất nhưng lại cũng là quan trọng nhất. Chắc hẳn các bạn chưa quên mình đã phải vật lộn với 4 cách trong tiếng Đức (Nominativ, Akkusativ, Dativ, Genitiv) như thế nào để biết được vai trò ngữ pháp của danh từ trong câu (chủ ngữ, tân ngữ trực tiếp, tân ngữ gián tiếp, sở hữu) đâu phải không. Tính từ sẽ thay đổi theo cách của danh từ mà nó bổ nghĩa. Vâng, và mục đích là để giúp chúng ta xác định được mối quan hệ giữa các thành phần trong câu. Ví dụ:
- Nominativ (chủ ngữ): Der nette Mann lacht. (Người đàn ông tử tế cười.)
- Akkusativ (tân ngữ trực tiếp): Ich sehe den netten Mann. (Tôi nhìn thấy người đàn ông tử tế đó.)
- Dativ (tân ngữ gián tiếp): Ich gebe dem netten Mann ein Buch. (Tôi đưa cho người đàn ông tử tế đó một quyển sách.)
- Genitiv (Sở hữu của danh từ): Ich lese das Buch des netten Mannes. (Tôi đọc quyển sách của người đàn ông tử tế đó.)
Nghĩ hoài cũng chẳng ra được lý do tại sao phải chia tính từ mới xác định được vai trò của các danh từ nữa. Tại vì, chẳng phải là mình phải xác định được vai trò của danh từ thế nào rồi thì mình mới biết thêm cái đuôi tính từ nào cho đúng nhỉ? Chắc là người Đức rảnh quá, vẽ vời ra cho đời thêm khổ.
- Danh từ giống đực (der) thì “kén cá chọn canh”, lúc thì thích đuôi -e, lúc lại đòi -en, -em, -es… Y như mấy anh người yêu “sáng nắng chiều mưa” ấy!
- Danh từ giống cái (die) thì “điệu đà” hơn, lúc nào cũng kè kè cái đuôi -e bên cạnh. Đúng là “gái có công, chồng chẳng phụ”!
- Danh từ giống trung (das) thì “dễ dãi” hơn, cũng hay xài đuôi -e, nhưng thỉnh thoảng cũng “đổi gió” sang -es cho nó “bảnh”.
- Đám danh từ số nhiều (die – nhưng mà là “chúng nó” chứ không phải “cô ấy” đâu nha!) thì lại “đồng bóng”, cứ auto “quất” cho cái đuôi -en vào cuối tính từ, không nói nhiều!
Nói tóm lại thì không chia đuôi tính từ là không được, chúng ta phải thêm cái đuôi phù hợp để thể hiện sự tôn trọng với danh từ đi sau nó, để người ta biết cái tính từ nào đang đi với danh từ nào, là “một mình” hay “một bầy” và đang đóng vai chủ tịch hay osin trong câu. Ngoài ra nữa thì việc chia đuôi tính từ sẽ giúp chúng ta phân biệt mình với những con người non dạ mới học tiếng Đức. Thay vì phải diễn đạt thành hai câu riêng biệt, thì chúng ta có thể ghép lại thành một câu. Ngầu hơn liền phải không?
- “Das ist ein Mann. Der Mann ist jung.”
- “Das ist ein junger Mann.”
Trong ví dụ (1) tính từ jung đứng một mình, theo sau nó không có danh từ nào cả nên không cần chia đuôi.
Trong ví dụ (2) tính từ jung đứng trước danh từ Mann nên phải chia đuôi thành junger.
1. Chia đuôi tính từ theo mạo từ xác định
Kasus | Nominativ | Akkusativ | Dativ | Genitiv |
---|---|---|---|---|
Maskulinum | der gute Mann | den guten Mann | dem guten Mann | des guten Mannes |
Femininum | die gute Frau | die gute Frau | der guten Frau | der guten Frau |
Neutrum | das gute Kind | das gute Kind | dem guten Kind | des guten Kindes |
Plural | die guten Leute | die guten Leute | den guten Leuten | der guten Leute |
Ở trường hợp này, đuôi của tính từ chỉ có 2 dạng -e và -en
Ngoài cách chia đuôi tính từ này cũng áp dụng tương tự đối với dieser, jeder, jener, mancher, welcher và alle, diese, jene, manche, solche, welche, keine, Possesivartikel (đi với danh từ số nhiều)
LƯU Ý:
Một số tính từ đỏng đảnh khi chia đuôi sẽ bị biến đổi một chút.
- hoch: der hohe Baum, die hohen Bäume, das hohe Haus, die hohen Häuser, …
- dunkel: das dunkle Zimmer, die dunklen Zimmer, der dunkle Raum, …
- teuer: das teure Auto, die teuren Autos, der teure Mantel, die teuren Mäntel, …
- sauer: der saure Wein, die sauren Weine, die saure Gurke, die sauren Gurken, …
- sensibel: der sensible Junge, die sensiblen Leute, …
2. Chia đuôi tính từ theo mạo từ không xác định
Kasus | Nominativ | Akkusativ | Dativ | Genitiv |
---|---|---|---|---|
Maskulinum | ein guter Mann | einen guten Mann | einem guten Mann | eines guten Mannes |
Femininum | eine gute Frau | eine gute Frau | einer guten Frau | einer guten Frau |
Neutrum | ein gutes Kind | ein gutes Kind | einem guten Kind | eines guten Kindes |
Plural | – | – | – | – |
LƯU Ý:
Đối với mạo từ không xác định, chúng ta sẽ không có dạng số nhiều, vì dạng số nhiều của mạo từ không xác định sẽ được xét vào nhóm mạo từ trống.
Cách chia đuôi tính từ như bảng trên cũng được dùng để áp dụng cho tất cả các mạo từ sở hữu Possessivartikel và mạo từ phủ định kein.
3. Chia đuôi tính từ theo mạo từ trống
Khi tính từ đi kèm với mạo từ trống, nó có thêm chức năng cho biết giống và cách của danh từ
Kasus | Nominativ | Akkusativ | Dativ | Genitiv |
---|---|---|---|---|
Maskulinum | guter Mann | guten Mann | gutem Mann | guten Mannes |
Femininum | gute Frau | gute Frau | guter Frau | guter Frau |
Neutrum | gutes Kind | gutes Kind | gutem Kind | guten Kindes |
Plural | gute Leute | gute Leute | guten Leuten | guter Leute |
Nếu để ý chúng ta sẽ nhận ra là đối với mạo từ trống, đuôi của tính từ sẽ giống với đuôi của mạo từ xác định của danh từ đó. Còn bạn không để ý được thì mình cũng vừa mới nhắc rồi đó. Trường hợp ngoại lệ đối với cách Genitiv của danh từ giống đực và giống trung (đuôi danh từ thêm -es)
4. Chia đuôi tính từ ở dạng so sánh hơn, so sánh hơn nhất
Khi chia đuôi tính từ ở dạng so sánh hơn, chúng ta sẽ xem tính từ đó như một tính từ bình thường và áp dụng cách chia đuôi tính từ như ở 3 bảng trên. Đối với tính từ so sánh hơn nhất chúng ta chỉ áp dụng với trường hợp đi cùng mạo từ xác định. Đơn giản phải không nào?
- eine bessere Lösung (tính từ “besser”, dạng so sánh hơn của gut)
- die schönste Frau
5. Sử dụng Partizip Präsens và Perfekt như một tính từ
Ngoài các tính từ thì Partizip Präsens và Partizip Perfekt có thể được sử dụng như một tính từ theo hai cách sau:
1. Partizip Präsens biến động từ thành tính từ mang tính chủ động. Công thức là: Infinitiv + d + Adjektivendung
Ví dụ: động từ laufen (chạy) mang tính chủ động do ta không thể nói ai đó đang bị chạy được
- laufen + d = laufend
Khi đã thêm d cho động từ ta sẽ có tính từ (như laufend) từ đây ta chia bình thường dựa vào Nominativ / Akkusativ / Dativ / Genitiv và giống của danh từ
Ví dụ: Die laufende Frau (một cô gái đang chạy). Tính từ có thêm đuôi e do đi kèm là mạo từ xác định và danh từ giống cái.
2. Partizip Perfekt biến động từ thành tính từ mang tính bị động. Công thức là: Partizip II + Adjektivendung
Ví dụ: động từ erledigen (hoàn thành) trong trường hợp công việc được hoàn thành ta có thể chuyển thành bị động.
- erledigen => erledigt
Như đã nêu trên, khi đã trở thành tính từ (như erledigt) ta chia dựa theo 4 cách và giống của danh từ
Ví dụ: Die erledigte Arbeit ist schwer (công việc đã được hoàn thành khá là khó)